du-hoc-canada-chuan-bi-gi-cmi-vietnam

Cha Mẹ Và Con Cái Cần Chuẩn Bị Gì Đi Du Học Canada?

Nghĩ lại về những điều mình còn thiếu khi đi du học và các bố mẹ và con có thể chuẩn bị gì đi du học Canada vui hơn.

Hồi mình mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà, một cô có con trai học lớp 10 khẩn khoản xin gặp mình. Gặp nhau, cô kể một tràng về những lo lắng như con quá ít nói, con không chủ động giao tiếp, con thích chơi với chó hơn với bạn, trong khi cả lớp vui đùa thì con lang thang ra chụp ảnh ngoài cánh đồng. Cô bảo, sau này muốn cho con đi du học, nhưng không biết liệu con có thành công không. Mình bèn hỏi:

– Theo cô như thế nào là thành công khi đi du học?

– Thì thành công là nó nhanh hòa nhập với cuộc sống, có nhiều bạn bè.

Mình nhìn thẳng vào mắt cô và chậm rãi nói:

– Theo định nghĩa của cô thì cháu thất bại thảm hại.

Hoàn toàn là sự thật.

Đã gần 11 năm kể từ ngày mình lên đường đi du học. Thỉnh thoảng, mình hay nghĩ lại những chuyện ngày xưa, và thấy đáng lẽ mình phải được chuẩn bị kĩ năng này kĩ năng kia để những năm tháng đi du học của mình đỡ khó khăn hơn. Mình là đứa thích nghi chậm, mỗi lần thay đổi môi trường đều mất rất nhiều thời gian để cảm thấy thoải mái. Việc mình học đại học ở nước ngoài cũng chỉ là mong muốn của bản thân, còn gia đình hồi đó cực lực phản đối (vì không có nhiều tiền để trang trải, và vì bố mẹ mình không biết tiếng Anh, cũng không quen biết ai là người nước ngoài, nên thấy việc con mới tí tuổi đầu tự dưng đi đến một nơi lạ hoắc rất xa vời, rủi ro và mờ mịt).

Suốt ba năm cấp 3, mình lạch cạch đạp xe đi đến các hội thảo du học, nhiều khi đi từ đầu này đến đầu kia của Hà Nội trong trời trưa nắng chang chang chỉ để được nói tiếng Anh với một đại diện tuyển sinh nào đó trong vài phút. Hồi đó sách luyện thi TOEFL cũng chưa nhan nhản ngoài hiệu sách như bây giờ, mình ngồi mòn đít ở Viện giáo dục Mỹ (IIE) vì ở đó có một ít sách được dùng miễn phí nhưng không được mang về. Đến lúc nhà được mắc Internet thì bắt đầu tập tành download sách và đề trên mạng để ngồi luyện. Chắc trong đời mình sẽ không có lúc nào mà quyết tâm bốc cao ngùn ngụt như thế.

Phần lớn các ông bố bà mẹ muốn con đi du học đều nghĩ phải cho con học thật giỏi ngoại ngữ, mà ít khi để ý đến những kĩ năng khác. Hồi đó tiếng Anh của mình không phải giỏi lắm, nhưng đủ để mình học một loạt các môn văn hóa xã hội cùng với các bạn sinh viên người Canada và được điểm cao, nên ngôn ngữ không phải là rào cản. Tuy vậy, mình vẫn phải vật lộn với sốc văn hóa đến gần hết năm thứ ba, đến giờ vẫn không hiểu sao hồi đó không bị rơi vào trầm cảm (chắc do có thể viết ra, nên cảm xúc tiêu cực có chỗ để xả). Giờ nghĩ lại, có những thứ mà nếu lúc đó mình được chuẩn bị, thì có lẽ mình đã đỡ buồn và cô đơn hơn trong thời gian ấy.

Tiếp xúc với sự khác biệt

Trường đại học của mình là một trường nhỏ, nằm ở một thành phố nhỏ. Thành phố ấy nhỏ đến nỗi, toàn bộ khu trung tâm chỉ là hai con phố cắt nhau, và mình chỉ có thể mua nước mắm từ một hàng tạp hóa do một gia đình người Việt gốc Hoa làm chủ. Mình vẫn nhớ cảm giác khi đi xe từ sân bay về đó lần đầu, trong khi nôn nao và chống chếnh vì buồn ngủ, mệt và lạ lẫm, qua cửa kính xe, những mái nhà ánh lên lóng lánh trong nắng vàng tháng 8, mình nghĩ “giống hệt như rơi vào một cuốn phim”. Mình như lọt thỏm và rơi tõm vào một miền đất hoàn toàn khác.

Cảm giác về sự khác biệt đó dữ dội như một con sóng to trùm lên nhấn chìm mình, đến nỗi mình vùng vẫy trong nó, thấy nghẹt thở mà không gọi được tên. Lúc đó, vì quá lạ, mình không biết cái mình đang trải qua là gì. Chỉ liên tục tự nhủ với bản thân: “Họ khác mình quá. Mình khác họ quá.”

Ở Hà Nội, những người nước ngoài mình thấy chỉ là những người khách du lịch, những người giống mình mới là số đông. Còn những người nước ngoài mình có một chút tiếp xúc, chỉ là một vài giáo viên dạy tiếng Anh, những học sinh giống mình mới là số đông. Khi đặt chân đến Canada, mình bàng hoàng nhận ra bây giờ MÌNH mới là người nước ngoài. Bây giờ, điều đó nghe có vẻ bình thường, nhưng lúc ấy, mình hoang mang đến tận sâu thẳm trong tâm trí.

Mình lớn lên trong một gia đình lao động không giàu có, vì thế không có điều kiện được đi trại hè, tham gia hoạt động ngoại khóa, khi sang Canada cũng chưa bao giờ ra nước ngoài, thậm chí còn chưa bao giờ đi ra khỏi Hà Nội một mình. Từ bé đến lớn chỉ có học ở trường, đi học thêm. Thế nên, khi tự nhiên một phát bay nửa vòng trái đất, sự khác biệt khiến mình bị cứng đờ cả đầu óc lẫn cảm xúc. Mình choáng ngợp vì ngụp lặn trong cú sốc đến nỗi không có tâm trí đâu để thích thú hay háo hức với những thứ mới mẻ đang xảy ra xung quanh.

Bố mẹ có thể làm gì để chuẩn bị cho con không bị giống mình?

Hãy cho con một môi trường đa dạng. Cấp 3 mình chỉ học ở một trường công bình thường, có một cô giáo chủ nhiệm cực kì bảo thủ (đến giờ vẫn còn tổn thương vì khi cô biết mình muốn đi du học thì liên tục chì chiết mát mẻ trước lớp khi mình bị điểm kém mấy môn Lý, Hóa rằng “có nhiều người chưa học bò đã lo học chạy” (ý cô là lo mà thi đại học đi, mơ mộng xa xôi hão huyền). Nhưng mình biết nhiều gia đình khá giả bây giờ cho con học trường tư, trường quốc tế, thì môi trường cũng toàn những người giông giống nhau. Nhiều bố mẹ giờ có điều kiện cho con đi du lịch nước ngoài, đi trại hè ở Sing. Đều tốt cả, nhưng sự đa dạng có nhiều hình thái. Hãy giúp con hiểu, ở Việt Nam mình cũng có nhiều ngôn ngữ, nhiều văn hóa, nhiều truyền thống phong tục. Hãy cho con gặp gỡ những người suy nghĩ khác mình, có cách thể hiện khác mình, có hoàn cảnh cũng khác mình.

Sau khi học ở Canada 4 năm, mình thoải mái hơn nhiều với sự khác biệt. Mình vẫn không nói nhiều hơn, hay dễ kết bạn hơn (nên mình mới nói với cô kia là theo định nghĩa của cô thì cháu hoàn toàn thất bại). Nhưng mình không quá khổ sở khi đứng trước một người khác mình nữa. Mình có thể ngồi với các cô các chị là phụ nữ nghèo ở nông thôn nói về gà toi và lợn nái đẻ, và cười rổn rảng với nhau. Mình có thể ở hai tuần trong một ngôi nhà sàn của một gia đình người Thái ở Nghệ An, ôm chày đi giã gạo và ngã oạch trên nền đất trơn, bị cả xóm ồ lên cười, mình thản nhiên đứng lên phủi đít, mà rưng rưng khi chị chủ nhà bảo “em đi về rồi nhà vắng, chị buồn lắm”. Một lần khác, mình ở với một gia đình người Dao ở Hà Giang, cả nhà đi làm hết, mình ngồi tẽ ngô với bà cụ lưng còng như dấu hỏi, không nói tiếng Kinh. Hai bà cháu ngồi bên bếp lửa, ngoài tiếng củi cháy tí tách, tiếng mưa tháng Giêng trên núi buồn buồn và một con mèo bé thỉnh thoảng meo meo, còn đâu tuyệt đối im lặng. Đấy là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất trong đời của mình, và mình đã ngạc nhiên là bản thân có thể cảm thấy thoải mái đến thế.

Các bố mẹ, nếu muốn con tận dụng được hết quãng thời gian đi du học, hãy đảo ngược hành trình của mình. Hãy cho con được lớn lên với sự khác biệt. Tất nhiên không phải ai cũng vật vã như mình, vì một đứa hướng nội ít nói và ghét đám đông thì thường gặp khó khăn trong giao tiếp. Nhiều người mình gặp được đi nước ngoài thì như cá gặp nước, vui vẻ ôm vai bá cổ bạn bè khắp bốn phương (mình đã từng thầm ghen tị với những người ấy, bây giờ thì hết rồi).

Chắc mình viết ra chỉ để nói rằng, không phải ai đi du học cũng sẽ thích thú ngay với những trải nghiệm mới. Và những bố mẹ có con giống cậu bé được nhắc đến ở trên, và giống mình, đừng lo gì cả. Mỗi người sẽ có cách sống riêng, và không phải cứ có nhiều bạn bè mới là điều tốt. Nhiều khi, học cách để thoải mái với bản thân còn quan trọng hơn học cách nói chuyện với người lạ. Vấn đề là, cái đó thì không phải bỏ tiền ra cho con đi học ở thầy giỏi, hay đi tham gia hoạt động này kia là được. Thời gian phải tính bằng năm, và bằng rất nhiều trải nghiệm. Có điều là, nếu bố mẹ có thể giúp con, cho con được tiếp xúc với sự đa dạng trong suốt quá trình lớn lên, thì con đỡ phải khổ như mình hồi mới đi du học.

Tác giả: Vân Nguyễn

Related Posts